I − KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG
1. Đơn chất nitơ
• Cấu hình electron nguyên tử : 1s22s22p3, nguyên tử có 3 electron độc thân.
Các số oxi hoá : −3, 0, +1, +2, +3, +4, +5.
• Phân tử N2 chứa liên kết ba bền vững (N ≡ N) nên nitơ khá trơ ở điều kiện thường.
2. Hợp chất của nitơ
a) Amoniac là chất khí tan rất nhiều trong nước.
• Tính bazơ yếu :
− Phản ứng với nước : NH3 + H2O ⇌ NH4 + + OH−
− Phản ứng với axit : NH3 + HCl → NH4Cl
− Phản ứng với muối : Al3+ + 3NH3 + 3H2O → Al(OH)3 ↓ + 3NH4 +
• Khả năng tạo phức chất tan : Cu(OH)2 + 4NH3 → [Cu(NH3)4](OH)2
• Tính khử : 2NH3 + 3CuO → N2 +3Cu + 3H2O
b) Muối amoni
• Dễ tan trong nước, là chất điện li mạnh.
• Trong dung dịch, ion NH4 + là axit : NH4 + + H2O ⇌ NH3 + H3O+
• Tác dụng với kiềm tạo ra khí amoniac.
• Dễ bị nhiệt phân huỷ.
c) Axit nitric
• Là axit mạnh.
• Là chất oxi hoá mạnh.
− HNO3 oxi hoá được hầu hết các kim loại. Sản phẩm của phản ứng có thể là NO2, NO, N2O N2, NH4NO3, tuỳ thuộc nồng độ của axit và tính khử mạnh hay yếu của kim loại.
− HNO3 đặc oxi hoá được nhiều phi kim và các hợp chất có tính khử.
d) Muối nitrat
• Dễ tan trong nước, là chất điện li mạnh.
• Dễ bị nhiệt phân huỷ.
• Nhận biết ion NO3− bằng phản ứng với Cu kim loại và H2SO4.