Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học được Mendeleev chính thức công bố năm 1871 có dạng của một bảng gồm 66 nguyên tố, chia thành 8 nhóm đứng và 12 dãy ngang. Trong đó Mendeleev đã mạnh dạn chừa chỗ trống cho các nguyên tố còn chưa biết lúc bấy giờ như Se, Ga, Ge, Tc,... không những thế ông còn tiên đoán được cách đúng đắn tính chất của chúng.
Từ đó đến nay đã có thêm nhiều nguyên tố mới được phát hiện, ví dụ như các khí trơ, các nguyên tố đất hiếm, các nguyên tố sau uran... Sự xuất hiện của chúng không làm thay đổi gì cơ bản hệ thống tuần hoàn các nguyên tố của Mendeleev, trái lại chúng được sắp xếp hoàn toàn phù hợp vào đây và như vậy càng khẳng định thêm thiên tài của Mendeleev.
Tuy nhiên, sự bổ sung thêm nhiều nguyên tố mới, sự khám phá cấu trúc electron nguyên tử và sự hiểu biết chính xác hơn tính chất của các nguyên tố đã đặt ra một vấn đề thực tế là cần biểu diễn lại hệ thống tuần hoàn các nguyên tố thế nào cho phù hợp hơn, thuận lợi hơn và nêu rõ được các quy luật nói lên mối liên hệ chặt chẽ giữa các nguyên tố với nhau. Cho đến nay đã có hơn 400 kiểu biểu diễn được công bố, nhưng thực tế chỉ có hai kiểu trong số đó được phổ biến và ứng dụng rộng rãi. Đó là bảng hệ thống tuần hoàn dạng ngắn và dạng dài mà hiện nay chúng ta đang sử dụng và cơ sở của chúng vẫn là cách biểu điễn của Mendeleev.
1. Ô nguyên tố
Mỗi nguyên tố hóa học được xếp vào một ô của bảng, gọi là ô nguyên tố. Số thứ tự của ô đúng bằng số hiệu nguyên tử của nguyên tố đó.
Thí dụ:
2. Chu kì
Chu kì là dãy các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp elecron, được xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần.
Bảng tuần hoàn gồm 7 chu kì được đánh số từ 1 đến 7. Số thứ tự của chu kì trùng với số lớp electron của nguyên tử các nguyên tố trong chu kì đó.
Chu kì 1, 2, 3 là các chu kì nhỏ
Các chu kì 4, 5, 6 và 7 là các chu kì lớn.
3. Nhóm nguyên tố
Nhóm nguyên tố là tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử có cấu hình electron tương tự nhau, do đó có tính chất hóa học gần giống nhau và được xếp thành một cột.
Nguyên tử các nguyên tố trong cùng một nhóm có số electron hóa trị bằng nhau và bằng số thứ tự của nhóm (Trừ một số ngoại lệ)