I. HÓA HỌC VÀ VẤN ĐỀ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM
1. Vai trò của lương thực, thực phẩm đối với con người
Lương thực và thực phẩm chứa nhiều loại chất hữu cơ cần thiết để duy trì sức khoẻ như cacbohiđrat, protein, chất béo, vitamin, nước, các chất khoáng, chất vi lượng.
Để đảm bảo sự sống thì lượng lương thực, thực phẩm và khẩu phần ăn hàng ngày có ý nghĩa quyết định. Một người lớn trung bình phải tiêu thụ thức ăn để sản sinh ra 2600 kcal/ngày. Trong khẩu phần thức ăn hàng ngày còn phải tính đến thành phần các chất dinh dưỡng cần thiết như protein với tỉ lệ tối ưu cho cơ thể là khoảng 70% có nguồn gốc thực vật và 30% từ động vật, vitamin.
Đói ăn ảnh hưởng đến sức khoẻ, đói ăn trong thời kì mang thai và ở trẻ sơ sinh sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sức khoẻ mà còn đến sự phát triển trí tuệ. Đói “vi chất” nghĩa là chỉ thiếu một lượng nhỏ chất vi lượng cần thiết cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ như thiếu iot (gây kém phát triển trí nhớ và đần độn), thiếu vitamin A (gây khô mắt và giảm sức đề kháng), thiếu sắt (gây ra thiếu máu),...
2. Những vấn đề đang đặt ra cho nhân loại về lương thực, thực phẩm
Trong phạm vi toàn cầu, việc sản xuất lương thực, thực phẩm không đủ nuôi sống nhân loại.
Thách thức lớn cho nhân loại là nền nông nghiệp thế giới phải đảm bảo nuôi sống số dân không ngừng gia tăng trong điều kiện đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, khí hậu trái đất nóng lên, thiên tai ngày càng ác liệt. Để giải quyết vấn đề này, thế giới đã có nhiều giải pháp như cuộc “cách mạng xanh”, phát triển công nghệ sinh học,...
3. Hóa học góp phần giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm
- Nghiên cứu và sản xuất các chất có tác dụng bảo vệ và phát triển thực vật, động vật như: sản xuất các loại phân bón hóa học; sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất các loại thuốc kích thích sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi.
- Nghiên cứu, sản xuất những hóa chất bảo quản lương thực, thực phẩm để nâng cao chất lượng của lương thực, thực phẩm sau thu hoạch.
- Bằng con đường chế biến thực phẩm theo công nghệ hóa học để nâng cao chất lượng của sản phẩm nông nghiệp hoặc chế biến thực phẩm nhân tạo như tổng hợp chất béo nhân tạo, chuyển hóa dầu (chất béo lỏng) thành mỡ (chất béo rắn), nâng cao hiệu suất chế biến protein từ nguồn protein tự nhiên. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng ngày càng được quan tâm giải quyết.
- Hóa học còn đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo ra các chất phụ gia thực phẩm.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề đặc biệt quan trọng nhất là vấn đề ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm do hóa chất, đường lây nhiễm thường do:
+ Hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn dư (nhiều nhất là trên rau quả).
+ Các kim loại nặng có trong đất, nước ngấm vào cây quả, rau củ, thủy sản.
+ Sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định.
+ Sử dụng thức ăn đã lạm dụng chất kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi gây tồn dư hóa chất, homon trong thịt, cá có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
- Hướng dẫn để mọi người sử dụng đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm.
II. HÓA HỌC VÀ VẤN ĐỀ VỀ MAY MẶC
1. Vai trò của vấn đề may mặc với cuộc sống con người
Nhu cầu về may mặc là một trong những nhu cầu chủ yếu của con người.
Con người đã từng biết đến các loại tơ như:
- Tơ tự nhiên chế tạo từ bông, lông thú.
- Tơ nhân tạo được sản xuất từ các polime tự nhiên.
- Tơ tổng hợp được sản xuất từ các polime không có sẵn trong tự nhiên, mà do con người tổng hợp bằng phương pháp hóa học như tơ nilon, tơ capron,...
2. Những vấn đề đang đặt ra về may mặc
Vấn đề gia tăng dân số toàn cầu đang gây sức ép rất lớn về nhiều mặt trong đó có việc đáp ứng yêu cầu may mặc của loài người.
Yêu cầu về mặc không những chỉ cần đủ, cần ấm mà còn cần phải đẹp cùng với những yêu cầu rất đa dạng của cuộc sống.
Trong khi các điều kiện sản xuất ra các loại tơ tự nhiên ngày càng khó khăn, hạn hẹp, nên yêu cầu đối với công nghiệp chế tạo vải sợi ngày càng tăng cao.
3. Hóa học góp phần giải quyết những vấn đề may mặc cho nhân loại
- Nghiên cứu để nâng cao chất lượng, sản lượng các loại tơ hóa học, tơ tổng hợp.
- Nghiên cứu, chế tạo nhiều loại thuốc nhuộm, chất phụ gia làm cho màu sắc các loại tơ vải thêm rực rỡ, thêm đẹp, tính năng thêm đa dạng.
III. HÓA HỌC VỚI VIỆC BẢO VỆ SỨC KHỎE CON NGƯỜI
1. Dược phẩm
- Ngành hóa dược liên quan đến an toàn sức khoẻ cho cả cộng đồng đã chế tạo được hàng chục nghìn dược phẩm khác nhau đáp ứng nhu cầu phòng chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ con người. Về nguồn gốc dược phẩm có hai loại:
+ Dược phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật.
+ Dược phẩm có nguồn gốc từ những hợp chất hóa học do con người tổng hợp nên.
- Dược phẩm bao gồm: Thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh, vacxin, vitamin, thuốc giảm đau, thuốc tăng cường thể lực,…
- Ngành hóa dược đang đứng trước những đòi hỏi ngày càng cao về việc chế tạo ra nhiều loại thuốc điều trị những bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS,...
- Người ta đã dùng hàng nghìn loại cây thuốc và các loại dược phẩm để cứu sống hàng chục triệu người và bảo vệ sức khoẻ cho hàng trăm triệu người khác mỗi năm.
- Công nghiệp hóa dược còn tạo ra hàng trăm chất phụ gia thực phẩm làm tăng giá trị lương thực, thực phẩm. Công nghiệp hóa mĩ phẩm cũng chế tạo hàng nghìn loại mĩ phẩm, kem đánh răng, dầu gội đầu,... Tất cả đều vì mục đích bảo vệ sức khoẻ, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con người.
2. Một số chất gây nghiện, chất ma túy, phòng chống ma túy
a, Một số chất gây nghiện, chất ma túy
- Các chất kích thích như cocain, Amphetanin có tác dụng kích thích thần kinh, với liều cao có thể làm rối loạn thần kinh, gây ảo giác mạnh,...
- Các chất ức chế thần kinh (được chế hóa từ nhựa cây thuốc phiện), khi sử dụng có thể gây nghiện, hết sức nguy hại cho sức khoẻ con người.
- Các chất gây nghiện không phải là ma túy:
+ Rượu có thể gây tác hại tới não, gây ảo giác, gây ra các bệnh về phổi, các bệnh về tim mạch, gan,...
+ Nicotin (C10H14N2) có nhiều trong thuốc lá. Trong khói thuốc lá có tới 22 chất độc có thể gây ung thư.
+ Cafein (C8H10N4O2) có trong hạt cà phê, côca, lá chè,… Cafein dùng trong y học với một lượng nhỏ có tác dụng gây kích thích thần kinh. Nếu dùng cafein quá mức sẽ gây mất ngủ và gây nghiện.
b, Phòng chống ma túy
Hiện nay có nhiều loại thuốc kích thích, chất gây nghiện rất nguy hiểm, có hại đến sức khoẻ, đã bị cấm sử dụng như: heroin, moocphin, các loại thuốc “lắc”.
Nhà nước ta đang phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống ma túy để ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tệ nạn ma túy.
Chúng ta cùng đấu tranh để ngăn chặn không cho ma túy xâm nhập vào nhà trường.